Anh cho biết, theo mô hình HTX kiểu mới, khi chuyển đổi các HTX phải rà soát, sửa đổi, bổ sung điều lệ HTX theo quy định của luật; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả, đúng luật; các xã viên gắn kết với HTX thông qua hợp đồng; các thành viên khi tham gia HTX có nghĩa vụ góp vốn và lợi nhuận được phân phối theo 2 hình thức là theo vốn góp cổ phần và theo mức độ sử dụng dịch vụ các thành viên... Anh cũng chia sẻ, ngoài nhờ thực hiện đúng mô hình chuyển đổi, bí quyết thành công ở HTX của anh là huy động vốn, áp dụng công nghệ sản xuất sạch và quan trọng hơn là công khai lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn. Chính việc các xã viên góp tư liệu sản xuất, công lao động và giám sát đã tạo ra sản phẩm chất lượng, loại bỏ được cách làm manh mún và tư duy tiểu nông như trước đây. Tuy nhiên, khi bàn đến việc mở rộng sản xuất, đầu tư bài bản để phát triển hàng hóa, không phải bán “lúa non” cho thương hiệu nước ngoài thì anh băn khoăn cho là khó, vì sợ không đủ lực.

alt
 Ảnh minh họa/nguồn internet.
Từ lâu, phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đã trở thành xu thế ở nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, phát triển mô hình HTX là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ được triển khai từ lâu. Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 150.000 tổ hợp tác, 20.000 HTX và 50 liên hiệp HTX với gần 30 triệu người tham gia; đã đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế chung của đất nước, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, đồng bằng ven biển.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ở nhiều nơi, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012, các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX đã bộc lộ nhiều vấn đề. Nói một cách cụ thể, đa phần các HTX hoạt động mang tính “tự cung tự cấp” là chính, sản phẩm ít vượt khỏi địa phương và chất lượng còn thấp, chưa tạo dựng được thương hiệu. Có thời điểm, nhiều loại sản phẩm của các HTX có biểu hiện “khủng hoảng thừa”, khó tìm được thị trường tiêu thụ. Điển hình như việc sản xuất dưa hấu, bí đỏ Nhật Bản ở Quảng Nam và chăn nuôi lợn thịt ở nhiều địa phương hiện nay.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu là do trình độ lao động, quản lý còn yếu, ít vốn đầu tư công nghệ và chưa liên kết với các doanh nghiệp uy tín để tìm thị trường, bao tiêu sản phẩm… Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ khiến các HTX khó cạnh tranh, tồn tại, phát triển so với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nên, trăn trở của anh bạn tôi kể ở trên là điều không khó hiểu.

Trong điều kiện sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng sản phẩm quyết định cơ bản đến sự phát triển của doanh nghiệp và  các HTX. Chính vì vậy, việc sản xuất, kinh doanh của các HTX cũng phải đi theo xu thế chung là mở rộng quy mô và áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm giá thành sản phẩm thì mới tồn tại, phát triển lâu dài, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân và xã hội.

Để đạt được vấn đề này, các chuyên gia khuyến cáo, cần có chiến lược, chính sách tổng thể, lâu dài. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực quản lý và tư duy kinh tế, thương mại cho những người phụ trách các HTX. Cùng với đó, việc hỗ trợ vốn vay để phát triển các HTX cũng cần có trọng tâm, trọng điểm. Các HTX cần tập trung sản xuất, phát triển các loại sản phẩm có thế mạnh, đặc sản vùng, miền, địa phương, có giá trị kinh tế và tính cạnh tranh cao; đồng thời tập trung các biện pháp phát triển thương hiệu. Ngoài những giải pháp này, từng địa phương cũng phải nghiên cứu, xây dựng mô hình HTX theo hướng tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng, chứ không nên chạy theo số lượng để báo cáo thành tích.

Có thể nhận thấy, để phát triển hiệu quả mô hình kinh tế tập thể HTX thì các cấp, ngành, địa phương và Trung ương cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo động lực để mô hình này phát triển bền vững, mang lại lợi ích cụ thể, lâu dài cho người lao động.

PHÚC THẮNG