Một số mặt hàng nông nghiệp được hỗ trợ bình ổn giá

(HQ Online)- Một số mặt hàng nông nghiệp như mía, dứa, mặc dù không có mặt trong danh mục các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá, song theo Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất một số nông sản nói riêng.

alt
Người nông dân "một nắng hai sương" được hưởng nhiều chính sách ưu đãi để có thể sống trên mảnh ruộng của mình. Ảnh Internet.

Vừa qua, cử tri một số tỉnh như Hậu Giang, Phú Yên gửi kiến nghị về Bộ Tài chính đề nghị có giải pháp bình ổn các mặt hàng thiết yếu trong sản xuất và tiêu dùng, bình ổn giá nông sản như lúa, mía, dứa để nông dân có lãi.

Thóc, gạo trong danh mục bình ổn giá

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Giá, mặt hàng thóc, gạo thuộc danh mục mặt hàng nhà nước bình ổn giá. Khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá trong đó có biện pháp đăng ký giá thì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo gửi hồ sơ đăng ký giá với cơ quan quản lý Nhà nước. 

Trường hợp Nhà nước không công bố các biện pháp bình ổn giá, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thóc gạo gửi hồ sơ kê khai giá về cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm tra và bình ổn giá thóc gạo thông qua việc kiểm tra, rà soát các yếu tố hình thành giá được doanh nghiệp báo cáo khi thực hiện đăng ký giá, kê khai giá.

Đồng thời, hàng năm Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản công bố giá mua thóc định hướng từ đầu vụ. Căn cứ vào giá mua thóc định hướng, khi giá thóc hàng hóa trên thị trường xuống thấp, Chính phủ giao: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp điều tiết cụ thể để duy trì giá thóc gạo hàng hóa trên thị trường.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Giá, mặt hàng thóc, gạo thuộc danh mục mặt hàng nhà nước bình ổn giá. Khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá trong đó có biện pháp đăng ký giá thì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo gửi hồ sơ đăng ký giá với cơ quan quản lý Nhà nước. 

Những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định mua tạm trữ thóc, gạo bảo đảm tiêu thụ một phần sản lượng lúa hàng hóa vào thời điểm thu hoạch rộ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế không để giá thóc, gạo trên thị trường giảm quá thấp, giúp đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân. 

Theo đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam căn cứ vào giá thóc định hướng, tổ chức việc phân giao cho các thương nhân thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ đủ chất lượng xuất khẩu theo giá thị trường, đảm bảo giá thóc, gạo hàng hóa trên thị trường không thấp hơn giá thóc định hướng và bảo đảm hoạt động xuất khẩu gạo hiệu quả. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp mua thóc gạo tạm trữ.

Nhiều chính sách thuế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Giải thích rõ về kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính cho biết: Các mặt hàng nằm ngoài danh mục bình ổn giá sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, đối với đại bộ phận hàng hoá, dịch vụ của nền kinh tế (trong đó có mặt hàng thiết yếu trong sản xuất và tiêu dùng, giá nông sản như lúa, mía, dứa...), cơ chế giá do thị trường quyết định. 

Những mặt hàng theo cơ chế này, Nhà nước sẽ tôn trọng quyền tự định giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chỉ thực hiện điều tiết giá để bình ổn giá, có chính sách về giá nhằm hỗ trợ các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

"Dù không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước bình ổn giá, nhưng mặt hàng mía, dứa đã nhận được nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung của Chính phủ", Bộ Tài chính lý giải.

Cụ thể, đã miễn tiền thuê đất nông nghiệp đến hết năm 2020 đối với hộ nông dân, hộ nông trường viên, xã viên hợp tác xã nông nghiệp nhận giao khoán của doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trong hạn mức. Theo đó miễn toàn bộ tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; miễn 15 năm đối với Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; miễn 11 năm đối với Dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư.

Về thuế sử dụng đất nông nghiệp, miễn thuế đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối; đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo; đất trong hạn mức.

Ngoài ra, một số sản phẩm sản xuất nông nghiệp cũng có thể không phải chịu thuế Giá trị gia tăng, nếu là các sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt lát, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác.

Bên cạnh đó, chính sách miễn thuế Thu nhập cá nhân, giảm tổn thất sau thu hoạch, chính sách tín dụng cho xuất khẩu... cũng được áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể. 

Ví dụ, để giảm tổn thất trong nông nghiệp, NSNN hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% lãi suất trong năm thứ ba cho vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; NSNN hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng)...

Với các cơ chế ưu đãi như trên, thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân. 

 Minh Anh

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Bạn đang ở: Home Tin tức Tin Kinh tế tập thể Một số mặt hàng nông nghiệp được hỗ trợ bình ổn giá