Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Hướng đi cần thiết trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển toàn diện ngành theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 37 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt đã được triển khai góp phần đáng kể giúp bà con nông dân tăng thu nhập, nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác.

Năm 2016, Trung tâm ứng dụng Nông nghiệp CNC và xúc tiến thương mại nông nghiệp Ninh Bình đã triển khai thực hiện thí điểm 4 mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đó là: Mô hình sản xuất cây con giống; mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất một số loại rau có giá trị kinh tế cao trong nhà lưới kín tại xã Mai Sơn, huyện Yên Mô; mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất rau an toàn trong nhà lưới đơn giản tại xã Khánh Hồng và xã Khánh Thành huyện Yên Khành và mô hình ứng dụng CNC trồng hoa ở xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình. Đặc biệt, mô hình thử nghiệm rau ứng dụng CNC tại xã Khành Hồng, huyện Yên Khánh với sự tham gia liên kết của 35 hộ dân được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao và góp phần quan trọng để nâng cao hiệu quả trong sản xuất rau. Giá thành sản phẩm rau an toàn cao hơn thị trường, cho lợi nhuận khoảng 90 đến 100 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với sản xuất rau thông thường. Ngay vụ sản xuất đầu tiên tham gia Dự án sản xuất ứng dụng CNC với mô hình nhà lưới có phun mưa tự động để sản xuất rau xanh, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGap, các hộ gia đình ở xóm 9, xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh đã giành thắng lợi. Để xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng CNC đòi hỏi bà con nông dân đầu tư chi phí ban đầu cao hơn so với cách làm truyền thống những sản phẩm đạt chất lượng, năng suất và đặc biệt đảm bảo an toàn cho người sử dụng, một yếu tố mà thị trường đang đòi hỏi ngày một khắt khe hơn.

t1-bai3

Từ thành công mô hình nhà lưới có hệ thống tưới phun mưa tự động tại một số địa phương như xã Khánh Hồng, Khánh Thành, Yên Thái... với sự hỗ trợ giống cây trồng, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGap của Trung tâm ứng dụng nông nghiệp CNC – Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình và tỉnh Lâm Đồng, thời gian tới các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình nhà lưới, mở rộng vùng canh tác. Riêng huyện Yên Khánh đã chuyển đổi 50 ha diện tích trồng lúa sang trồng những cây có giá trị và ứng dụng CNC vào sản xuất như: mô hình cây dưa chuột, bí xanh, mướp đắng, chanh đào,... tại xã Khánh Thành; mô hình dưa lê, dưa bao tử, hành lá... xã Khánh Nhạc; mô hình cây dược liệu và rau các loại tại xã Khánh Công; mô hình dưa kim hoàng hậu, dưa lê, măng tây xã Khánh Trung; mô hình cải bó xôi xã Khánh Mậu,...với nhiều mô hình cho thu nhập cao từ 100 đến 150 triệu đồng/ha. Việc xây dựng và ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tạo hiệu ứng tốt, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững. Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành trồng trọt năm 2016 ước đạt trên 4.600 tỷ đồng, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, qua đó vừa nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa sản xuất ra sản phẩm sạch bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

T2-Hieu-qua-mo-hinh-Can-bo-So-NN-kiem-tra-mo-hinh-

Có thể nói, nông nghiệp ứng dụng CNC là yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Để tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp bền vững, cần hơn nữa công tác hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và cần tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp sau:

Một là, tập trung đầu tư ngay từ khâu đầu vào như giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, phân bón, đến hệ thống chẩn đoán, kiểm định dịch bệnh, công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản,...

Hai là, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến việc nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho nông dân; nâng cao hiệu lực trong quản lý chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, xem truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản của doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư vào vùng nguyên liệu.

Ba là, cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ với mức cao cho công tác nghiên cứu khoa học, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển, có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông. Các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai hiệu quả việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp.

Bốn là, các HTX nông nghiệp cần mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau quả đi kèm ứng dụng CNC, tức là cần cơ chế "cởi trói" cho đất đai cũng như quy định về hạn điền, hướng chuyển từ người không còn thiết tha với đồng ruộng sang người mong muốn làm nông nghiệp, chuyển từ hiệu quả sử dụng đất thấp sang sử dụng hiệu quả cao hơn. Bên cạnh chính sách tích tụ ruộng đất, cơ sở hạ tầng để ứng dụng CNC phải đồng bộ. Ví dụ, với cánh đồng lớn phải có hệ thống cung cấp chủ động nước tưới như thế nào, cảm biến phát hiện dịch bệnh sớm ra sao?...tức là đòi hỏi nguồn đầu tư.

Năm là, trước thực tế khó khăn lớn nhất của nông nghiệp Ninh Bình hiện nay là phần lớn sản phẩm nông nghiệp đều bán tự do ngoài thị trường thông qua các thương lái, chỉ có một số cơ sở sản xuất quy mô hàng chục tấn sản phẩm/vụ trở lên mới ký được hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Những hộ sản xuất nhỏ hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp, nếu thị trường thuận lợi – doanh nghiệp tăng thu mua, nếu gặp khó khăn thì...bỏ rơi người sản xuất. Vì vậy, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản CNC một cách chặt chẽ và có trách nhiệm là điều cấp bách. Cần kêu gọi các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia thu mua, chế biến, tìm thị trường tiêu thụ nông sản sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, giúp nông dân tăng thu nhập. Gắn với việc hình thành các vùng nông nghiệp CNC giữa các hộ nông dân phải liên kết, hợp tác thành tổ hợp tác, HTX và các doanh nghiệp để sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nhằm tiêu thụ trong hệ thống siêu thị/kênh phân phối.

Phòng Đào tạo, bồi dưỡng

Nguồn sưu tầm "Bản tin Kinh tế tập thể"

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Bạn đang ở: Home Tin tức Tin Kinh tế tập thể Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Hướng đi cần thiết trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp